Hiện tại trầm cảm là căn bệnh đứng thứ hai trong danh sách mười căn bệnh đáng sợ nhất đối với nhân loại do Tổ chức Y tế Thế giới xếp hạng. Căn bệnh này phổ biến đến mức cứ năm người lại có một người mắc phải.
Dù là ai đi nữa, cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bạn xinh đẹp , giàu có, mạnh mẽ ? Điều đó không khiến trầm cảm sẽ tránh xa hay loại trừ bạn !
Một khi đã rơi vào chứng trầm cảm, ta sẽ không thấy hứng thú, vui vẻ với bất cứ điều gì, liên tục sẽ là những chuỗi buồn phiền sầu muộn dai dẳng. Những món thường ngày bạn vốn thích ăn giờ chẳng còn mùi vị gì, bộ phim khiến mọi người cười đến phát điên cũng chỉ làm bạn thắc mắc “ Họ cười vì cái quái gì nhỉ ?” . Tất cả năng lượng trong cơ thể, trong trái tim sẽ đột nhiên biến mất, khiến bạn không còn có thể cảm nhận bất cứ loại cảm xúc nào nữa.
Chứng trầm cảm không chỉ khiến ta cảm thấy u uất từng ngày từng giờ mà còn “tiêu cực hóa” những suy nghĩ, khiến ta nhìn thế giới và chính con người mình bằng ánh mắt chán chường, u ám. Nó khiến ta luôn tự trách móc dằn vặt bản thân, tự cho rằng mình là kẻ có tội. Nó khiến ta ghim trong đầu mình là kẻ vô giá trị, mình nghèo khổ, mình thất bại và khốn cùng. Đôi khi, nó còn khiến ta tưởng tượng ra rằng mình mắc phải căn bệnh vô phương cứu chữa, chỉ có thể chờ chết.
Thông thường khi nói ra bệnh này mọi người đều có định kiến và thường chối bỏ tất cả các loại bệnh liên quan đến tâm thần. Ốm đau đương nhiên được khuyên đi bệnh viện khám, nhưng nếu ai đó nói rằng họ buồn phiền, âu sầu, thì sẽ chẳng ai coi đó là điều gì đó quá nghiêm trọng, thậm chí quy chụp luôn người đó có vấn đề về tính cách hoặc nhận thức.
Nhiều người mặc định nơi gọi là khoa tâm thần chỉ dành cho những kẻ điên, nếu chẳng may phải đến trị liệu ở nơi này, người ta tuyệt đối sẽ không bao giờ tìm đến những bệnh viện gần nhà, vì sợ người quen nhìn thấy.
Ngoài ra, nững niềm tin sai lầm như “Phải vào khoa tâm thần dù chỉ một lần thôi cũng là vết nhơ theo ta cả đời” càng khiến con người ta sợ hãi nơi này hơn nữa.
Nhưng dù nghiêm trọng đến đâu thì trầm cảm cũng chỉ là một chứng bệnh.
Triệu chứng dù nặng nhưng nếu được chuẩn đoán và chữa trị sớm, người bệnh sẽ hồi phục và hoàn toàn có thể chữa khỏi. Thế nên, giống như khi mắc chứng viêm phổi sẽ vào bệnh viện khám và uống thuốc ngay, thì trầm cảm cũng vậy, đừng giấu giếm, đừng chần chừ, hãy chủ động tích cực điều trị.
Saui khi được điều trị, chứng trầm cảm sẽ có dấu hiệu phục hồi trong vòng ba tháng. Ta lại được nhìn thấy ánh mặt trời, cảm nhận được làn gió mát lành sảng khoái, nhận ra nụ cười ấm áp của người hàng xóm bên cạnh và biết cảm ơn trước những điều bé nhỏ. Rồi ta sẽ lại bắt đầu chuyến đi hướng về thế giới.
Nhưng nếu ta cứ mặc kệ không quan tâm, chứng trầm cảm sẽ ở lì rất lâu. Nỗi đau đớn khổ sở cực điểm sẽ khiến tâm hồn ta trở thành hoang phế, đó được gọi là bệnh tâm lý-xã hội kết hợp. Điều nghiêm trọng nhất là căn bệnh ấy sẽ tăng cao nguy cơ “tự tử”.
Trầm cảm rõ ràng là căn bệnh có thể chữa trị được, sự tăm tối mù mịt ấy chắc chắn sẽ có hồi kết.
Bởi vậy, dù bây giờ có khổ sở đến mức có thể chết được, nhưng ta phải tin rằng rồi mọi chuyện sẽ khá lên, ta sẽ tìm lại được bản thân mình. Đây không hề là mong ước hay lời an ủi vu vơ, mà là sự thật đã được khoa học chứng minh.
Trầm cảm không phải hang động, mà là đường hầm. Cuối đường hầm ấy, ánh sáng đang chờ đợi ta bước đến. Vì vậy, dù có đớn đau khổ sở đến đâu, chỉ cần đừng vuột mất sợi dây hy vọng, thì ngày ấy nhất định sẽ đến. Nếu một phút giây nào đó trong đời gặp phải muộn phiền, đừng hoảng hốt, đừng trốn tránh, hãy đường hoàng đối diện với nó. Có như vậy ta mới có thể chia tay với sự âu sầu 1 cách lành mạnh nhất.